Chuyện ba đứa trẻ

Chia sẻ bởi Lê Thị Cẩm Tú | Ngày 12/10/2018 | 255

Chia sẻ tài liệu: Chuyện ba đứa trẻ thuộc Đọc diễn cảm

Nội dung tài liệu:

BA ĐỨA TRẺ

Thấm thoát gần một năm kể từ ngày đầu tiên chúng tôi vào thăm ba anh em Hùng - tên cậu học trò nghèo của trường Tiểu học Ngọc Khê 1 huyện Ngọc Lặc. Cứ mỗi lần nghĩ đến tim tôi như bị ai đó thắt chặt lại. Một cảm giác xót xa, thương cảm dâng trào. Hình ảnh ba cái bóng mà xóm giềng vẫn thường bắt gặp còm cõi bước trên đường nhưng không phải đến trường mà để mưu sinh cứ ám ảnh tôi trong từng bữa ăn giấc ngủ. Đứa lớn nhất chỉ mới lớp 5, hai đứa em chưa một ngày được đến trường sống lay lắt trong một ngôi nhà nằm heo hút trên một khu đồi thuộc làng Mùn của xã Ngọc Khê - nơi mà có người gọi đùa là chốn “chuột ngáy” của làng. Các em cứ “tồn tại” như thế không người bấu víu, chăm sóc .
Thấy chúng tôi đến lũ trẻ đang lúi húi trong bếp mặt còn nhọ nhem đứng dậy. Hùng giũ sạch quần áo, vòng tay lễ độ chào các thầy, các cô. Hai đứa em ngơ ngác nhìn. Thay vì những nụ cười hiền hậu, không ai nói với ai một lời tất cả chúng tôi ngỡ ngàng trào nước mắt. Hùng không dám mời chúng tôi vào nhà, em bẽn lẽn nâng vách cửa chui vào nhặt quần áo, phủi giường chiếu đã cũ nhèm. Tôi cúi người vào theo nghẹn ngào không nói nên lời. Hai mắt đã nhoè đi vì xúc động nhưng tôi vần còn kịp nhìn thấy tất cả mọi thứ trong cái gọi là ngôi nhà ấy. Một chiếc giường tre trải bằng một manh chiếu cũ, một chiếc chăn đơn rách lỗ chỗ, một bì quần áo tất cả đã chuyển màu của ba anh em để ở góc giường. Cái gia tài mà các em đang có có lẽ đáng giá nhất là chiếc giường. Tim tôi thắt lại, nhói đau khi nhìn lên bàn thờ - một cái bát ăn cơm đã vỡ mất một mảnh để ngay ngắn trước tấm ảnh của một người phụ nữ còn trẻ tuổi, đến cả những chân hương cũng nghèo nàn, xơ xác. Mẹ Hùng - người phụ nữ trong tấm ảnh có đôi mắt buồn và luôn nhìn xuống. Có lẽ chị đang bất lực dõi theo các con mình ở một thế giới hư vô. Hai đứa em vẫn vô tư ăn ngon lành củ sắn mà Hùng vừa nướng chưa kịp chín trong bếp. Bên ngoài có tiếng khóc nấc lên, có lẽ là cô Kiên hay và cô Liền GV khu Cao Nguyên - một khu lẻ của trường nơi em Hùng theo học.Cả đời đi dạy học được chứng kiến biết bao cảnh nghèo khổ nhưng các cô không ngờ rằng ở giữa cuộc sống với nhiều sự đổi thay này vẫn còn có những học sinh cơ cực như ba anh em Hùng. Tôi theo Hùng chui qua cửa đi vào bếp, cảnh tượng còn ảm đạm hơn nhiều, vài cái nồi sứt quai vứt lăn lóc lâu ngày không ai cần đến chúng, bát đũa đã mọc rêu xanh, trong chiếc chậu nhựa nhỏ - thứ duy nhất còn lành lặn có vài ba con hến nằm lay lắt đã không còn mùi bùn, cũng không ai thèm màng đến nó. Cô Liền cứ đứng đó mắt rưng rưng nhìn Hùng. Cô định nói gì mà không sao nói được nên lời. Các thầy cô trong BGH nhà trường cũng lặng im nhìn căn nhà thủng từ mái đến vách ấy. Có lẽ trong lòng mỗi người đang trào dâng một cảm giác xót xa, thương cảm cho những đứa trẻ tội nghiệp này.Cuối cùng thì vách nứa cũng được Hùng dựng lên bằng một đoạn luồng nhỏ, vẫn không ai bảo ai tất cả chúng tôi cùng vào người đứng, người ngồi nghe Hùng kể lại: Một ngày cuối năm 2000 nỗi đau bất ngờ ập đến. Người mẹ trẻ của 3 đứa nhỏ đột ngột qua đời. Lúc đó đứa nhỏ nhất vừa tròn 5 tháng tuổi. Cuộc sống khốn khó của gia đình lại càng tăng thêm gấp bội. Cha con rau cháo nuôi nhau. Dù buồn đau vì mất mẹ nhưng em vẫn còn có cha để động viên, tối đến vẫn còn có ánh đèn dầu cha con ôm nhau ngủ. Nhưng sau một thời gian mẹ mất người cha phần vì buồn cảnh gà trống nuôi con, phần vì cùng quẩn bế tắc trước cái nghèo đói nên đổi tính đổi nết sinh ra rượu chè, tinh thần hoảng loạn đã bỏ ba anh em Hùng đi bặt tin hơn một năm nay. Hùng - 11 tuổi thay cả cha lẫn mẹ nuôi em. Xót thương cho tình cảnh của ba anh em Hùng, mặc dù giận người cha nỡ vô tình nhưng họ hàng, làng xóm, thôn bản kẻ ít người nhiều thay nhau giúp đỡ anh em Hùng. Ở vùng đất ấy như thế đã là nhiều vì người dân xung quanh họ cũng đâu có khá giả gì. Vậy nên anh em Hùng khoai sắn nuôi nhau. Mò cua, bắt ốc dưới sông, hái rau, đào củ trên rừng cho qua bữa. Sáng ngày Hùng còn lo được nhưng cứ đến tối là ba anh em sợ co rúm người lại, quắp chặt lấy nhau, hai đứa em không đứa nào chịu nằm ngoài. Đèn không có chỉ nghe tiếng côn trùng kêu là rợn người. Lâu dần thành quen. Lại những hôm trời mưa, những giọt nước mưa qua mái dột xuống làm cho căn nhà rách lại càng thêm hắt hiu, lạnh lẽo. Rồi Hùng rưng rưng kể tiếp: Tháng trước có người bà con cho con gà, hai đứa nhỏ cứ lăn ra đòi làm thịt, Hùng phần thương em, phần cũng muốn anh em được cải thiện nhưng đành ngậm ngùi để lại lo việc khác. Thì ra Hùng nuôi lớn gà và đổi thành bì sắn, ba anh em no được gần một tháng, Hùng có thời gian đến trường. Giữa không gian mênh mông trước là sông, sau là núi rừng trùng điệp mà tự nhiên tôi cảm thấy nghẹt thở. Tết đến rồi (hôm đó đã là 24 tháng 12 âm lịch) mà trong nhà các em vẫn chẳng có gì ngoài hai củ sắn còn xót lại. Nhìn Hùng tôi nhận thấy trên khuôn mặt em không có được những tia sáng long lanh của tuổi thơ mà gương mặt ấy mang vẻ trầm tư của người lớn . Ánh mắt em thật buồn - một nỗi buồn câm lặng, đau đáu. Ngay cả khi em nở nụ cười cảm ơn khi chúng tôi trao quà thì đó cũng chỉ là nụ cười dè dặt, ưu tư. Hai đứa nhỏ nhìn chúng tôi bằng đôi mắt mở to, buồn bã. Hùng cho biết các em rất ít khi khóc hay vòi vĩnh, chỉ ngơ ngác nhìn xung quanh như kiếm tìm một điều gì. Có lẽ các em muốn tìm mẹ hay gọi cha về? Còn Hùng đôi mắt vẫn buồn thăm thẳm, khuôn mặt bần thần, ngơ ngác đến nhói lòng. Những lời tâm sự của Hùng: Em mong ước một ngày bố em sớm trở về để các em em được ăn no còn em được đi học đều như các bạn và để linh hồn người mẹ xấu số bớt quạnh hiu như một lời kết, một mong mỏi từ trong sâu thẳm tâm hồn em. Dù ước mơ đó là nhỏ bé và chính đáng mà lẽ ra đứa trẻ nào cũng có được nhưng đối với Hùng lúc này thật lớn lao biết nhường nào.Hùng cứ sống âm thầm như thế không lời kêu cứu van xin. Nhưng tôi biết hơn lúc nào hết Hùng đang rất cần sự cảm thông, chia sẻ. Cầu mong cho ba anh em sớm có cuộc sống bình thường bên người cha thân yêu của mình, trong một ngôi nhà lành lặn hơn.
Tôi không phải là nhà văn để viết cho hay những điều mắt thấy tai nghe. Tôi chỉ là một giáo viên bình thường xót xa trước cảnh đời của những học sinh nghèo mà viết ra bài báo này mong bạn đọc cảm thông, chia sẻ.

Tháng 12 năm 2007


* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lê Thị Cẩm Tú
Dung lượng: 42,50KB| Lượt tài: 10
Loại file: doc
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)