BÉ TÌM HIỂU VỀ BIỂN

Chia sẻ bởi Nguyễn Thị Phúc Minh | Ngày 02/05/2019 | 144

Chia sẻ tài liệu: BÉ TÌM HIỂU VỀ BIỂN thuộc Khám phá khoa học

Nội dung tài liệu:

PHÒNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO ĐẠI LỘC
TRƯỜNG MẦM NON ĐẠI THẮNG
Chủ đề nhánh: Bé biết gì về nước biển
GIÁO VIÊN THỰC HIỆN : NGUYỄN THỊ MINH
LỚP: LỚN
NĂM HỌC: 2014 -2015
Hội thi giáo viên giỏi cấp trường
HOẠT ĐỘNG HỌC: KHÁM PHÁ KHOA HỌC
Trò chuyện về nước biển
và sóng biển
ĐỀ TÀI:
I. MỤC ĐÍCH-YÊU CẦU:
- Trẻ biết được đặc điểm và các tính chất đặc trưng của nước biển, biết lợi ích của nước biển đối với con người và các sinh vật biển. Biết nguyên nhân có sóng biển, tình trạng ô nhiễm nước biển dẫn đến các thiên tai như sóng thần, bão biển.
- Rèn kĩ năng quan sát, ghi nhớ, tư duy, trả lời được các câu hỏi của cô.
- Giáo dục trẻ có tình yêu biển, có ý thức giữ gìn mỗi trường nước biển bằng những việc như nhặt rác, không vứt rác xuống biển hay sông suối..
II. CHUẨN BỊ:
- Không gian tổ chức : Lớp học
- Đồ dùng phương tiện :
+ Video về biển, tình trạng nước biển bị ô nhiễm
+ Một số hình ảnh về lợi ích của nước biển, hình ảnh sóng biển, sóng thần
+ Các bài hát cải biên: “ Quê em mùa nước lũ ”, “ Lý ngựa ô ”..
- Phương pháp : Quan sát , đàm thoại , trãi nghiệm
III. TIẾN HÀNH HOẠT ĐỘNG:
1.Hoạt động 1:
Cô đóng vai cô bộ đôi hải quân đến thăm lớp
Cô vừa đi vừa hò: Hò…ơ…ớ…ơ
Biển quê sóng gợn đôi bờ
Sóng xanh xanh thẳm bốn bờ yên vui
Nắng lên nước biển mặn nồng
Lòng yêu biển cả...ờ ờ..lòng yêu biển cả..Sáng ngời trong ta.
Cô xin chào tất cả các con ( Trẻ: Chúng cháu chào cô hải quân )
Hôm nay cô rất vui khi được đến thăm lớp mình, các con có vui khi gặp cô không nào!
Đến đây cô có mang đến cho các con một món quà! Các con xem đó là gì nhé!
- Cô cho trẻ xem video về biển
Trong đoạn phim vừa rồi các con được xem cái gì đó nào? ( Trẻ trả lời )
Các con thấy biển của nước mình có đẹp không?
- Nước ta có rất nhiều bãi biển đẹp.Ở ngoài đảo xa, với nhiệm vụ cảnh giữ biển đảo cho đất nước, ngày nào cô cũng cảm thấy vui khi được nhìn ngắm biển, sóng biển.
Vậy các con đã đến biển bao giờ chưa? Các con đến đó để làm gì? ( Trẻ: tắm biển)
Khi tắm biển các con có nhận xét gì về nước biển nào?( Trẻ nhận xét )
- Để biết xem nước biển có giống như những nhận xét của các con không thì bây giờ cô cháu mình cùng tìm hiểu xem nhé!





2.Hoạt động 2:
* Trò chuyện về nước biển:
Cô đưa hình ảnh nước biển, cho trẻ đọc từ “ Nước biển ”
- Thế các con thấy nước biển có màu gì? ( Trẻ trả lời )
Thật ra nước biển trong suốt, không có màu , vì nước biển trong suốt nên màu xanh của bầu trời phản chiếu xuống nước biển làm ta tưởng rằng nước biển có màu xanh đấy các con!
Thế nước biển có vị như thế nào? ( Trẻ: có vị mặn )
Các con có biết vì sao nước biển có vị mặn không?
Theo các nhà khoa học cho biết thì trong nước biển có hàm lượng muối cao sinh ra từ đá trên đất liền nên nước biển có vị mặn đấy các con! Và bạn nào muốn biết rõ hơn thì khi nào lớn lên chúng mình sẽ đi nghiên cứu vấn đề này nhé!
- Vậy thì nước biển có thể dùng để uống và nấu ăn được không các con? Vì sao thế ?( Trẻ trả lời )








Nước biển không thể dùng để uống và nấu ăn được, vậy nước biển có lợi ích gì nào? ( Trẻ trả lời )
Cô đưa ra hình ảnh và cho trẻ biết lợi ích của nước biển
Nhờ có nước biển mà các loài cá, tôm, cua và các sinh vật khác sống trong nguồn nước mặn mới sinh sống được.Các loại động vật biển đó mang lại nguồn lợi rất lớn cho nền kinh tế nước ta
Biển còn là nơi nghỉ mát, tắm nắng giúp con người sảng khoái trong mùa hè nóng bức
Và đặc biệt nhờ nước biển mặn, nên người ta lấy nước biển để làm muối đấy các con, và đó là nghề làm muối của những người dân sống ven biển.


Vậy các con đã biết những lợi ích của nước biển rồi phải không nào! Bây giờ cô sẽ thưởng cho các con một trò chơi, Đó là trò chơi “ Nhìn nhanh chọn đúng ”
Cô có rất nhiều hình ảnh, các con hãy chọn giúp cô những hình ảnh nói lên lợi ích của nước biển nào!
Các con rất giỏi. Thế các con có yêu biển không?
Nào bây giờ chúng ta cùng hát múa để thể hiện tình yêu biển nhé!
- Cô và trẻ cùng vận động bài “ Bé yêu biển lắm ”
3. Hoạt động 3:
*Trò chuyện về sóng biển:
Trong bài hát vừa rồi có tiếng gì rì rào vậy các con? ( Trẻ : Tiếng sóng )
- Trên biển ta thường nghe những tiếng sóng biển vỗ rì rào phải không nào!
Cô đưa ra hình ảnh về sóng, cho trẻ đọc “ Sóng biển ”
- Các con biết vì sao biển có sóng không? ( Trẻ trả lời )
Biển có sóng là nhờ gió, sóng và gió luôn đi cùng với nhau, gió thổi làm cho mặt nước biển gợn lên những cơn sóng, gió nhẹ thì sóng nhỏ, còn gió lớn thì sẽ có sóng lớn
Các con đã thấy sóng lớn chưa? (Trẻ trả lời)
Cô đưa ra hình ảnh sóng thần cho trẻ xem
Các con thấy sóng trong hình này như thế nào? ( Trẻ nhận xét )








- Đây được gọi là sóng thần đấy các con. Sóng thần là một loạt các đợt sóng lớn tạo nên, các con sóng này rất cao, nó khác với các loại sóng ngoài biển tạo bởi gió
Sóng thần thường xảy ra bất chợt làm nước biển dâng cao ập vào bờ cuốn trôi hết nhà cửa kể cả tính mạng con người
- Các con có sợ sóng thần không?
- Sóng nhỏ thì làm cho mặt biển trông đẹp hơn, nhưng sóng lớn, sóng thần thì làm cho mặt biển động dữ dội, tàu thuyền không đi lại được, mọi người không thể tắm biển và còn gây thiệt hại về tài sản và tình mạng cho con người nữa
Thế các con thích sóng nhỏ hay sóng lớn?
Vậy bây giờ cô cháu mình cùng làm những con sóng nhỏ nhé!
- Chơi nhẹ “ Sóng vỗ ”


4. Hoạt động 4:
Làm những con sóng các con có vui không nào?
- Ngoài sóng thần, biển còn xảy ra những thiên tai gì nữa các con? ( Trẻ trả lời )
Biển xảy ra sóng thần cũng như các thiên tai khác đều do con người mình gây ra, các con biết tại sao không?
Muốn biết tại sao thì các con cùng xem đoạn phim này nhé!
Cô cho trẻ xem đoạn phim nước biển bị ô nhiễm do rác thải, tràn dầu, người dân khai thác biển qua mức..Trẻ vừa xem phim vừa nghe cô
hát bài hát “ Quê em mùa nước biển ” cải biên
Vì sao nước biển bị ô nhiễm vậy các con? ( Trẻ trả lời)
Nước biển bị ô nhiễm đã gây ra những vấn đề gì?
- Nước biển bị ô nhiễm làm cho các loài sinh vật biển không sống được. Là tác nhân gây ra các thiên tai như sóng thần, bão biển làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng con người, biết bao nhiêu người phải chết, gia đình mất đi người thân đấy các con








Vậy theo các con để cho nước biển cũng như môi trường biển không bị ô nhiễm, hạn chế thiên tai xảy ra thì các con phải làm gì? ( Trẻ trả lời )
Giáo dục: Đúng rồi! Mỗi người chúng ta phải có ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, đặc biệt là các con khi uống sữa xong phải bỏ vỏ sữa vào sọt rác, không vứt lung tung. Biết nhặt rác, và nhắc nhỡ bố mẹ, người thân, bạn bè mình cùng thực hiện để cho môi trường nói chung cũng như môi trường nước biển nói riêng không bị ô nhiễm, các con có đồng ý không nào?
Thế các con có muốn cùng cô chung tay giữ gìn môi trường biển không?
Vậy cô chúa mình cùng làm điều đó qua trò chơi “ Chèo thuyền nhặt rác ”, các có thích không nào?
5.Hoạt động 5: Trò chơi “ Chèo thuyền nhặt rác ”
- Cô chia trẻ thành 2 đội, cô chuẩn bị rất nhiều rác thải có trên biển như bao ni lông, hộp sữa…
Mỗi lượt chơi, 2 bạn của từng đội sẽ làm thành 1 chiếc thuyền chèo ra biển để nhặt rác. Hai bạn này nhặt rác về thì đến lượt 2 bạn khác trong đội chèo đi. Cứ thế hết một bài hát, đội nào nhặt được nhiều rác, đội đó sẽ thắng
Cô nhận xét và tuyên dương







Cô thấy các con rất giỏi, đã nhặt được rất nhiều rác góp phần vào việc giữ gìn môi trường biển rồi đấy!
Dù ở ngoài đảo xa hay trong đất liền thì cô cháu mình hãy cùng nhau giữ gìn môi trường biển đảo cho đất nước Việt Nam ta các con nhé!
- Nào các con:
“ Vì một môi trường biển xanh_sạch_ đẹp ” ( xanh_sạch_đẹp)
Vì biển cả không ô nhiễm_không thiên tai ( Không ô nhiễm_không thiên tai)
Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn môi trường biển” ( giữ gìn..giữ gìn..giữ gìn )
6. Kết thúc hoạt động:
Cô và trẻ cùng hát “ Hò giã vôi ” cải biên:
Dô hò dô hụi, dô hụi xít hụi hò khoan
Hụi hò khoan ta nắm tay nhau
Hụi hò khoan chung tay mà góp sức là hố khoan
Giữ gìn, hụi hò khoan giữ gìn biển xanh
Hụi hò khoan biển cả Việt Nam, hụi hò khoan xít hụi hò khoan







* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Thị Phúc Minh
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)