Bao vệ luận văn thac si

Chia sẻ bởi Trần Tác | Ngày 21/10/2018 | 34

Chia sẻ tài liệu: bao vệ luận văn thac si thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

ĐINH THỊ MINH HẢO
TRUYỆN NGẮN CAO DUY SƠN
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 34
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS Tôn Thảo Miên
Thái Nguyên - 2009
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong nền văn học Việt Nam văn học viết về đề tài miền núi có sự hiện diện khá đông đủ bộ mặt văn học các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Với khả năng khơi sâu vào cái riêng, cái đặc sắc của mỗi dân tộc, vùng miền, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã đem lại sự phong phú, đa dạng và tầm vóc riêng cho cả nền văn xuôi hiện đại. Đặc biệt, những nét đặc thù trong thiên nhiên và khí chất con người miền núi đã tạo sức gợi riêng, khiến so với văn xuôi viết về đô thị, đồng bằng nói như Phong Lê: “văn xuôi miền núi chiếm lĩnh được một vẻ đẹp riêng, không thay thế được, không ai bắt chước được”.
- Trong đội ngũ nhà văn là người dân tộc thiểu số Việt Nam. Cao Duy Sơn là cây bút trẻ có bút lực sung mãn ở mảng đề tài viết về người dân tộc miền núi. Tuy mới xuất hiện trên văn đàn nhưng tác phẩm của ông đã tạo được tiếng vang lớn và đạt được nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Cao Duy Sơn tên thật là Nguyễn Cao Sơn dân tộc Tày - sinh năm 1956 tại Thị trấn Cô Sầu (huyện Trùng Khánh - tỉnh Cao Bằng). Là hội viên nhà văn Việt Nam, hội viên hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí văn hoá các dân tộc. Chánh văn phòng Hội văn hoá nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Cao Duy Sơn là một trong số ít nhà văn người dân tộc thiểu số đã thành công khi tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.
- Cao Duy Sơn là một cái tên hiện đang được rất nhiều người biết đến khi tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối đạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam 2008, mang giá trị vượt ra ngoài các giải thưởng văn học trong nước với đề cử giải thưởng Văn học ASEAN của Hoàng gia Thái Lan năm 2009. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn ít những công trình nghiên cứu chuyên biệt về Cao Duy Sơn, nếu có cũng chỉ là một vài bài báo hoặc những ý kiến nhỏ lẻ trong cả một công trình, bài viết về văn học các dân tộc thiểu số nói chung. Những kết quả nghiên cứu này chưa đủ để tái dựng một chân dung Cao Duy Sơn với những đứa con tinh thần của ông . Vì vậy việc tìm hiểu sáng tác của nhà văn Cao Duy Sơn là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa khoa học.
- Là một người làm công tác giảng dạy nơi núi rừng Việt Bắc - quê hương của nhà văn Cao Duy Sơn, việc thực hiện đề tài đối với chúng tôi còn có ý nghĩa tri ân của thế hệ đàn em đối với một người anh - một nhà văn tiêu biểu của quê hương mình đã mang sắc màu riêng của con người, của cuộc sống dân tộc mình đến khắp mọi miền của tổ quốc và thật mừng vui và tự hào hơn khi sắc màu dân tộc là “đặc sản” vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Những kết quả đạt được của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo cho những người yêu văn học trong cả nước. Từ đó, có thể giúp họ hiểu và yêu quí thêm văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, nhà văn Cao Duy Sơn nói riêng.
2. Lịch sử vấn đề
- Là tác giả trẻ trong nền văn học đương đại, Cao Duy Sơn đã khẳng định được phong cách riêng và độc đáo trong sáng tác văn chương Ông được đánh giá là nhà văn có những đóng góp lớn ở mảng đề tài viết về miền núi. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay công trình nghiên cứu riêng về Cao Duy Sơn và những tác phẩm của nhà văn còn rất ít. Những tác phẩm của ông mới chỉ được giới thiệu chung chung trên phương tiện thông tin đại chung như báo, tạp chí và chương trình giới thiệu sách trên đài phát thanh truyền hình.

Người nghiên cứu sâu sắc và có nhiều nhận định xác đáng về Cao Duy Sơn hơn cả là nhà phê bình Lâm Tiến - tác giả của một số công trình nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, khi nhận xét về cá tính sáng tạo của nhà văn Cao Duy Sơn ông viết: “Ông miêu tả nhân vật dưới góc độ đời tư, có số phận riêng và một sự tự ý thức. Điều đó càng được thể hiện rõ trong những truyện ngắn sau này của ông (...) Nhân vật của ông thường khoẻ khoắn, mạnh mẽ, có cuộc sống nội tâm phong phú, phức tạp dữ dội, nhưng lại lặng lẽ kín đáo. Truyện của Cao Duy Sơn còn hấp dẫn người đọc ở cách viết giàu cảm xúc, giàu hình tượng với cách cảm nhận sự vật, hiện tượng tinh tế, chính xác, sắc sảo với những tình huống căng thẳng gay gắt, bất ngờ. Với cách viết đó Cao Duy Sơn đã đem lại cho văn xuôi các dân tộc thiểu số một cảm nhận mới về con người và cuộc sống của các dân tộc”.
- Năm 2007, trong luận văn thạc sĩ nghiên cứu về Cao Duy Sơn (đề tài: Thi pháp nhân vật tiểu thuyết, trong tiểu thuyết Người lang thang và Đàn trời của Cao Duy Sơn) - Tác giả Đặng Thuỳ An (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã đưa ra một số nhận xét.
Cao Duy Sơn đã thực sự kế thừa và phát huy những nét độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của văn học truyền thống, từ đó khẳng định phẩm chất tốt đẹp và giá trị tâm hồn của người dân miền núi. Nhưng luận văn khoa học này chỉ dừng lại nghiên cứu ở hai tiểu thuyết Người lang thang và Đàn trời của Cao Duy Sơn. Như vậy ngoài các bài báo, bài phỏng vấn nhà văn Cao Duy Sơn được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể coi đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về nhà văn Cao Duy Sơn. Đến nay chưa có một công trình chuyên biệt nào nghiên cứu truyện ngắn của Cao Duy Sơn việc tìm hiểu nghiên cứu truyện ngắn của nhà văn Cao Duy Sơn vì thế cũng được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu.
3. Đối tượng nghiên cứu
- Văn xuôi miền núi đương đại và sáng tác của Cao Duy Sơn
- Hiện thực và con người miền núi trong truyện ngắn Cao Duy Sơn
- Một số phương diện nghệ thuật trong tryện ngắn Cao Duy Sơn
4. Phạm vi nghiên cứu
- Tập truyện ngắn Những chuyện ở lũng Cô Sầu - NXB QĐND (giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam - 1997).
- Tập truyện ngắn Những đám mây hình người - NXB VHDT (giải B của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam - 2003)
- Tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối - NXB VHDT (giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam - 2008).
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thống kê
Phương pháp phân tích
- Phương pháp đối chiếu và so sánh
Chương 1. Văn xuôi miền núi đương đại và sự xuất hiện của nhà văn Cao Duy Sơn
1. Diện mạo, đặc điểm và thành tựu của văn xuôi miền núi đương đại
2. Quá trình sáng tác của nhà văn Cao Duy Sơn
3. Những nét tương đồng và khác biệt của Cao Duy Sơn với các tác giả văn xuôi miền núi đương đại
6. Bố cục của Luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn bao gồm ba chương:
Chương 2. Hiện thực và con người miền núi trong truyện ngắn Cao Duy Sơn

Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong truyện ngắn Cao Duy Sơn

Bức tranh xã hội miền núi với những xung đột “Ngầm” và in đậm bản sắc văn hoá Tày.

3. Hình tượng con người miền núi với một số nét đặc trưng
Chương 3. Một số phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn Cao Duy Sơn

Cốt truyện

2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3. Đặc điểm ngôn ngữ truyện ngắn Cao Duy Sơn

Kết luận

Thư mục tài liệu tham khảo
B. PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
VĂN XUÔI MIỀN NÚI ĐƯƠNG ĐẠI
VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA NHÀ VĂN CAO DUY SƠN

1. Diện mạo, đặc điểm và thành tựu của văn xuôi miền núi đương đại
1.1. Một cách hiểu về “văn xuôi miền núi đương đại”
Có thể hiểu “Văn xuôi miền núi đương đại” là những sáng tác văn xuôi nghệ thuật viết về đề tài miền núi trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay.
1.2. Phác thảo về diện mạo văn xuôi miền núi Việt Nam đương đại
1.2.1. Quá trình vận động và đội ngũ nhà văn
- Đổi mới tư duy nghệ thuật, văn xuôi viết về đề tài, chủ đề miền núi sau 1986 cũng có những thành công đột khởi, mà những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết của Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Ma Văn Kháng về đề tài này là những minh chứng. Từ trang viết của các tác giả tiêu biểu này, có thể nói chất văn hoá dân gian hiện đại, tư duy tiểu thuyết hiện đại, thậm chí sắc thái hậu hiện đại trong cách nhìn nhận, khám phá, miêu tả cuộc sống, con người. Đó không chỉ là những thành tựu của văn xuôi miền núi đương đại mà còn chứng tỏ sự vận động, đổi mới của văn xuôi, cũng như văn học Việt Nam thập niên cuối thế kỷ XX.
- Vùng núi phía Bắc có các cây bút: Hà Trung Nghĩa (dân tộc Mường), Mùi Binh Chức, Hà Lý, Hoàng Luận, Hoàng Hữu Sang, Hà Lâm Kỳ, Bùi Thị Như Lan, Hoàng Tương Lai... một cây bút tiêu biểu người Tày là Cao Duy Sơn. Ở vùng Tây Nguyên có các cây bút dân tộc Êđê: Hlinh Niê, Niê Thanh Mai, Bahnar Kim Nhất... Ở miền Trung: Trà Vigia (dân tộc Chăm), La Quán Miên (dân tộc Thái), Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Nhị Lê (dân tộc Mường)...
1.2.2. Những thành tựu và hạn chế của văn xuôi miền núi đương đại
Văn xuôi miền núi đương đại vừa kế thừa, vừa phát huy tốt nhất những thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật đã có của quá trình phát triển. Bao quát các mảng đề tài gắn với cuộc sống và con người miền núi qua các giai đoạn lịch sử, ở những tác phẩm thành công, văn xuôi miền núi đương đại đã chú ý đến những phạm vi, phương diện, vấn đề nổi bật của đời sống, ghi nhận, miêu tả hình ảnh chân thực và sinh động về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, phóng khoáng của con người các dân tộc vùng núi vừa gắn với núi rừng sông suối làng bản, vừa cải tạo thiên nhiên, tạo dựng môi trường và cuộc sống ngày càng no ấm, tươi đẹp, tiến bộ, hiện đại hơn.
- Về mặt nghệ thuật, không thể phủ nhận những thành tựu kinh nghiệm vô cùng quý giá đã đạt được trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về miền núi của Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Vi Hồng, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Cao Duy Sơn…. Sự đa dạng, phong phú của thế giới nghệ thuật, cách tổ chức sự kiện, cốt truyện, kết cấu tác phẩm, cách miêu tả khắc hoạ nhân vật, nghệ thuật sử dụng ngôn từ….
Tuy nhiên, như một số nhà nghiên cứu nhận xét, thực trạng của văn xuôi miền núi, của văn học các dân tộc ít người là thiếu vắng nhà văn chuyên tâm, thiếu vắng tài năng, chất lượng nghệ thuật. Chính tình trạng thiếu vắng nhà văn tài năng là nguyên nhân của thực trạng chưa có nhiều tác phẩm hay, có giá trị.
2. Quá trình sáng tác của nhà văn Cao Duy Sơn
2.1. Vài nét về tiểu sử nhà văn Cao Duy Sơn
Nhà văn Cao Duy Sơn tên thật là Nguyễn Cao Sơn, dân tộc Tày, sinh năm 1956. Hiện tại, Cao Duy Sơn là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tổng biên tập Tạp chí văn hoá các dân tộc. Ông đã hai lần đoạt giải A văn học dân tộc thiểu số Việt Nam, nhưng chỉ đến khi nhận Giải thưởng Hội nhà văn 2008 với tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối , Cao Duy Sơn mới nhận đây là giải thưởng lớn đầu tiên của ông.
2.2. Quá trình sáng tác của nhà văn Cao Duy Sơn
Nhà văn Cao Duy Sơn từng được biết đến với các tác phẩm Người lang thang (xuất bản 1992, đoạt giải A văn học thiểu số Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993), Người săn gấu (1995), Cực lạc (1995), Những chuyện ở lũng Cô Sầu (1996), Đàn trời, Hoa mận đỏ (tác phẩm đã được chuyển thể thành phim Khoả nước sông Quy)…Nhà văn Cao Duy Sơn từng được 2 giải A Văn học thiểu số Việt Nam, nhưng chỉ đến khi Ngôi nhà xưa bên suối (2008) mang giá trị vượt ra ngoài các giải thưởng văn học trong nước với đề cử Giải thưởng Văn học ASEAN của Hoàng Gia Thái Lan năm 2009, nhà văn Cao Duy Sơn mới được đóng dấu rõ rệt “thương hiệu” là nhà văn chuyên về đề tài miền núi và văn chương của ông được ví như “đặc sản”. Trên đà những thành tựu đã có, nhà văn Cao Duy Sơn vẫn tiếp tục miệt mài sáng tạo. Tác phẩm mới nhất của Cao Duy Sơn, theo lời anh, là cuốn tiểu thuyết mang tên Chòm ba nhà, được viết trong ba năm, cùng thời gian với Ngôi nhà xưa bên suối. Với bản tính cẩn thận, đến bây giờ cuốn tiểu thuyết mới cơ bản được hoàn thành và ra mắt bạn đọc.
3. Những tương đồng và khác biệt của Cao Duy Sơn với các tác giả văn xuôi miền núi đương đại
3.1. Những nét tương đồng
Cũng như một số tác phẩm văn xuôi miền núi xuất hiện trong thời kỳ đổi mới, truyện ngắn và tiểu thuyết của Cao Duy Sơn kịp thời tái hiện bộ mặt mới mẻ của miền núi trong kinh tế thị trường, dưới tác động của chính sách, dự án của Chính phủ, với những vui buồn, được mất trong đời sống vật chất và tinh thần của con người vùng cao, những khởi sắc và cả những bất ổn đang vỡ ra của nó. Tiểu thuyết Đàn trời của Cao Duy Sơn, cũng như Bóng của cây sồi của Đỗ Bích Thúy, tập kí Trăng Xí Thoại của Hlinh Niê và một số truyện ngắn của Sa Phong Ba, Thu Loan, Sương Nguyệt Minh…. đặt ra, với cả hi vọng, hào hứng và bức xúc, trăn trở, với cách nhìn, cách lí giải mới. Cảm hứng phanh phui sự thật, nhìn nhận vấn đề từ hai mặt, tránh khuôn mẫu, một chiều, đó là nét mới của văn xuôi miền núi đương đại so với văn học sử thi giai đoạn trước, mà tác phẩm của Cao Duy Sơn là những ví dụ.
3.2. Những nét khác biệt
Là một nhà văn xuất hiện trong thời sau Đổi mới, Cao Duy Sơn vừa hoà nhập, vừa vượt trội lên trên mặt bằng chung của văn xuôi miền núi đương đại. Nếu như trong nhiều sáng tác của văn xuôi miền núi có sự lặp lại, tương tự “đến mức sáo mòn”, thì Cao Duy Sơn, trong khi vẫn không nguôi viết về mảnh đất và con người quê hương Trùng Khánh, luôn gắng tự vượt lên mình. Những truyện ngắn, tiểu thuyết của ông “đã đem lại cho văn xuôi các dân tộc thiểu số một cách viết, một cách cảm nhận mới về con người và cuộc sống của các dân tộc. Ông miêu tả nhân vật dưới góc độ đời tư, có số phận riêng và một sự tự ý thức” [28 ; tr15]. Thuộc cuộc sống, con người, vùng đất quê hương, nhà văn đã thể hiện qua các nhân vật của mình hình tượng người lao động miền núi một cách cụ thể, sinh động, tinh tế như nó vốn có, với bút pháp dung dị, hồn nhiên. Nhân vật trong văn xuôi Cao Duy Sơn thường có cuộc sống nội tâm phong phú, phức tạp, mạnh mẽ, dữ dội, nhưng lại lặng lẽ, kín đáo.
Chương 2
HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI MIỀN NÚI
TRONG TRUYỆN NGẮN CAO DUY SƠN
1. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong truyện ngắn Cao Duy Sơn
1.1. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực trong truyện ngắn Cao Duy Sơn
Nghiên cứu tìm hiểu ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn chúng tôi bắt gặp một thế giới nghệ thuật vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Tính truyền thống biểu hiện ở sự tiếp nối bút pháp dân gian của truyện cổ dân gian Tày nói riêng, của truyện cổ dân gian Việt Nam nói chung: đó là một thế giới “phân cực” thiện - ác đối kháng và một kết thúc có hậu. Trong thế giới ấy các nhân vật chính diện đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Các nhân vật phản diện lại xấu xa về nhân cách và dị dạng méo mó về ngoại hình.
Một thế giới nghệ thuật đa tạp có sự đan xen chồng chéo thiện và ác, ánh sáng và bóng tối. Khi thì xuất hiện giữa hai thế lực đối lập khi thì xuất hiện trong chính mỗi con người.
1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Cao Duy Sơn
- Hầu hết các nhân vật trung tâm trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn đều là những con người nhỏ bé, bình dị như bao con người đang sống quanh chúng ta. Những con người không chức tước cao sang, không tài năng xuất chúng dễ bị “hoà tan” vào đám đông.
Việc chọn những con người nhỏ bé và bất hạnh làm nhân vật trung tâm, khám phá, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của họ ẩn kín đằng sau những manh áo rách, những ngoại hình dị dạng, những nghề nghiệp khốn cùng .… Nhà văn không chỉ biểu hiện sự am hiểu sâu sắc về một bộ phận người bao giờ cũng đông đảo nhất trong xã hội mà còn bộc lộ một trái tim yêu thương, cảm thông, xót xa đến tận cùng với bao đau khổ của kiếp người.
2. Bức tranh xã hội miền núi với những xung đột “Ngầm” và in đậm bản sắc văn hoá Tày.
2.1. Hiện thực xã hội miền núi với những xung đột vừa dữ dội vừa lâu dài.
2.1.1. Xung đột lịch sử - dân tộc
- Có thể gọi xung đột lịch sử - Dân tộc là xung đột cục bộ vì nó xuất hiện có thời điểm và kết thúc rõ ràng cùng với chiến tranh, cách mạng, khởi nghĩa…
Xung đột lịch sử - Dân tộc xuất hiện một lần trong truyện ngắn Người săn gấu, cả 21 truyện còn lại đều tập trung phản ánh kiểu xung đột thế sự - đời tư. Đây là kiểu xung đột phổ biến có tính vĩnh hằng trong xã hội loài người.
2.2. Hiện thực xã hội miền núi in đậm bản sắc văn hoá Tày.
Là người mang trong mình hai dòng máu Kinh - Tày. Sinh ra và lớn lên trong không gian rừng núi mang đậm đà bản sắc dân tộc Tày. Cao Duy Sơn không chỉ đưa không gian văn hoá ấy vào trong sáng tác của mình mà còn làm được một điều kì diệu: tinh lọc bản sắc văn hoá Tày, chọn lọc những nét tinh tuý nhất để tái tạo thành một thế giới nghệ thuật đặc sắc. Trong thế giới ấy, nhà văn không “sao chụp” bản sắc văn hoá Tày mà chỉ lấy đó làm “phấn hoa” để rồi tạo thành “mật ngọt” trong tác phẩm nhờ tài năng và tâm huyết của mình.
Bức tranh hiện thực xã hội miền núi trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn, dù viết về đề tài nào vẫn trở đi, trở lại với hai địa danh của quê hương ông: Lũng Cô Sầu, Cổ Lâu. Những địa danh ấy không chỉ thể hiện sự “bám rễ” sáng tác vào quê hương của nhà văn mà còn gợi liên tưởng về một vùng biên ải xa lắc mang hơi hướng của “Rừng xa đất lạ”, gợi bao tò mò, hứng thú cho người đọc.
- Ông xây dựng không gian xã hội miền núi mang đậm bản sắc Tày với những phong tục: Chợ tình, tục lệ khai vài xuân, tục diễn rối đầu gỗ độc đáo, tục cướp vợ, tục trốn nhà chồng về nhà mẹ đẻ.
3. Hình tượng con người miền núi với một số nét đặc trưng.
3.1. Con người miền núi với số phận bi kịch
- Chúng tôi nhận thấy trong ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn số lượng nhân vật bi kịch xuất hiện khá nhiều.
Hình tượng con người bi kịch được miêu tả và lặp lại trong hàng loạt truyện ngắn đã trở thành một kiểu loại nhân vật trung tâm trong sáng tác của Cao Duy Sơn. Chúng tôi nhận thấy đó là vẻ đẹp kiên cường và cao thượng của con người miền núi. Họ đã vượt lên trên những bi kịch của số phận toả sáng lòng nhân hậu, dũng cảm trong đói nghèo và bất hạnh.
3.2. Con người tha hoá và sám hối.
- Hình tượng con người này xuất hiện không nhiều nhưng vẫn mang một ý nghĩa nghệ thuật đặc biệt. Dù chỉ xuất hiện trong ba truyện ngắn nhưng đã chứng tỏ cái nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn không đơn giản một chiều. Ở đây bên cạnh tính truyền thống với sự phân chia nhân vật thành chính diện và phản diện thật rành mạch, chúng ta bắt gặp sắc màu hiện đại trong cái nhìn nghệ thuật của nhà văn. Bởi thiện và ác nằm ngay trong mỗi con người.
Chỉ với ba hình tượng con người tha hoá và sám hối trong ba truyện ngắn. Cao Duy Sơn đã khắc họa nên một kiểu nhân vật vừa đáng thương vừa đáng sợ. Qua đó nhà văn muốn đưa ra một triết lí: cuộc sống vốn đầy bất trắc và thử thách, con người trong hành trình số phận của mình đều có thể mắc lỗi lầm. Điều quan trọng hơn là phải biết đứng dậy từ lỗi lầm ấy.
3.3. Con người thánh thiện
- Qua ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn hầu hết hình tượng con người miền núi đều có những phẩm chất tốt đẹp, nên có thể xếp những con người ấy vào thế giới nhân vật chính diện.
- Trong thế giới nhân vật chính diện ấy có+ nhân vật nổi bật lên bởi vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách trong trẻo đến gần như tuyệt đối. Không chỉ có thể, vẻ đẹp tinh thần của họ như một tấm gương để các nhân vật khác và người đọc tự “soi mình”. Chúng tôi gọi những nhân vật đó là những con người thánh thiện.
- Trong chương 2 chúng tôi đã tập trung khảo sát, phân tích đánh giá ba vấn đề chính: quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn. Bức tranh hiện thực xã hội miền núi trong truyện ngắn Cao Duy Sơn; hình tượng con người miền núi trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.
Chương 3
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN CAO DUY SƠN
1. Cốt truyện trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn
1.1. Khái niệm cốt truyện trong tác phẩm tự sự
1.2. Cốt truyện trong ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn
- Khảo sát ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn, hầu hết các truyện ngắn của nhà văn, thuộc loại hình cốt truyện hành động, được tổ chức theo quy luật nhân quả. Trong mỗi cốt truyện của truyện ngắn Cao Duy Sơn có sự xử lý một cách nghệ thuật mối quan hệ theo tuyến sự kiện: Tuyến sự kiện Nhân - Quả theo trình tự thời gian tự nhiên (Biên niên). Và tuyến sự kiện trật tự Trước – Sau theo dụng ý nghệ thuật của nhà văn.
- Các truyện ngắn trong ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn đều có cốt truyện thuộc kiểu cốt truyện đơn tuyến. Mỗi cốt truyện thường chỉ xây dựng một xung đột trung tâm và một nhân vật trung tâm.
- Nhưng độc đáo nhất trong cả ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn là cốt truyện trong truyện ngắn Hấp hối độc đáo ở bút pháp kì ảo được vận dụng tài tình với sự trộn hoà hư - thực, giữa giấc mơ với đời thực
2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Cao Duy Sơn
2.1. Khái niệm nhân vật văn học
2.2. Kiểu nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Cao Duy Sơn
2.2.1. Kiểu nhân vật lí tưởng
Trong ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn có khá nhiều nhân vật được xây dựng theo nguyên tắc lí tưởng hoá về nhân cách. Với các nhân vật này, vẻ đẹp hình thức không phải là đối tượng được nhà văn quan tâm nhiều. Vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của họ mới làm nên tính lý tưởng. Các nhân vật này có một đặc điểm chung để ta xếp vào cùng một kiểu nhân vật trung tâm của truyện ngắn Cao Duy Sơn: Đó là lòng nhân hậu, chính phẩm chất này là “cội nguồn” để dẫn tới phẩm chất cao đẹp khác như sự dũng cảm, đức hy sinh, lòng chung thuỷ … Đặc biệt khi đặt những phẩm chất ấy vào trong những con người bình dị có số phận bi kịch, chúng ta càng thấy được chất “vàng mười” ấy rực sáng trong “ngọn lửa” thử thách của số phận và thân phận.
2.2.2. Kiểu nhân vật dị dạng về nhân cách
Trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn người đọc bắt gặp không ít những nhân vật phản diện - tiêu cực. Có một đặc điểm chung giữa các nhân vật này là chúng đều “méo mó, dị dạng” về nhân cách. Mọi tội lỗi, hay lầm lỡ của các nhân vật này đều bắt nguồn từ sự “méo mó và dị dạng” đó.
2.3. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật
Cao Duy Sơn đã sử dụng hai bút pháp nghệ thuật khác nhau nhưng đều gần gũi với bút pháp nghệ thuật của truyện cổ dân gian Việt Nam khi miêu tả ngoại hình nhân vật. Ông ít miêu tả trực tiếp mà thường dùng phép so sánh, liên tưởng (đây cũng là kết quả kiểu tư duy quen thuộc của người miền núi). Chính cách miêu tả này đã làm cho ngoại hình của các nhân vật trở nên sống động, rõ nét và đầy ấn tượng. Khi sử dụng phép so sánh để miêu tả ngoại hình nhân vật được đem ra so sánh là những hình ảnh, sự vật, hiện tượng rất gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống của người dân miền núi. Cao Duy Sơn chỉ phác hoạ vài nét nhưng lại nói lên được cái “ thần” của nhân vật.
2.4. Nghệ thuật miêu tả nhân vật qua hành động
Ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn, các hành động của nhân vật có ý nghĩa đặc biệt. Nhân vật trung tâm của truyện ngắn Cao Duy Sơn là con người miền núi - những con người được ví như núi đá biên thuỳ trầm lặng, ít nói, giấu bao nhiêu sục sôi, dữ dội trong im lặng tính cách của nhân vật chủ yếu được bộc lộ qua hành động và ngôn ngữ. Các hành động của nhân vật hoặc đi kèm với lời nói hoặc tồn tại độc lập, có thể nhận xét rằng: Nhân vật của Cao Duy Sơn chủ yếu bằng hành động - những hành động vừa mang tính biểu cảm, vừa có sức “gợi” rất lớn, để lại bao âm vang trong lòng người đọc. Những hành động (dù mang ý nghĩa tích cực của nhân vật lý tưởng hay mang ý nghĩa tiêu cực của nhân vật phản diện, tiêu cực dị dạng về nhân cách) thì đều quyết liệt, bất ngờ “bùng nổ” mang đậm bản sắc riêng của con người miền núi.
3. Đặc điểm ngôn ngữ truyện ngắn Cao Duy Sơn
3.1. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, sử dụng thủ pháp so sánh
Một trong những đặc điểm về cách diễn đạt của người miền núi nói chung và người dân tộc Tày nói riêng là hay so sánh, liên tưởng, nói có hình ảnh. Truyện ngắn Cao Duy Sơn đã thể hiện rất rõ đặc điểm này trong cả lời người kể truyện và ngôn ngữ nhân vật.
3.2. Sử dụng lối diễn đạt của người dân tộc
Chú trọng đến lối diễn đạt của dân tộc mình, Cao Duy Sơn đã sử dụng thành ngữ, tục ngữ, dân ca Tày để thể hiện lời ăn tiếng nói và tâm tư tình cảm của các nhân vật và sử dụng cả lối diễn đạt ấy trong ngôn ngữ của người kể chuyện. Khi miêu tả giọng nói, cách nói, tính chất lời nói của các nhân vật, người kể chuyện thường kể theo lối diễn đạt của người dân tộc.
KẾT LUẬN
Bước đầu tìm hiểu đặc điểm truyện ngắn của Nhà văn Cao Duy Sơn chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
Trong văn học Việt Nam hiện đại, có một khoảng riêng của văn học các dân tộc thiểu số. Cao Duy Sơn đã góp vào khoảng riêng ấy những tác phẩm văn chương với những sắc màu không dễ lẫn. Sắc màu ấy toả ra từ hệ thống hình tượng, từ cấu trúc ngôn từ, tác các thủ pháp nghệ thuật ... mang đậm sắc màu của miền núi Việt Bắc. Nó giúp người đọc hiểu thêm con người Việt Nam, và hiểu thêm chính bản thân mình. Nó cũng giúp cho mỗi người dân miền núi Việt Nam nói chung và người dân Việt Bắc nói riêng thêm hiểu cả những vinh quang và cay đắng của dân tộc mình. Từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy nhưng vẻ đẹp, những giá trị truyền thống của quê hương mình.
Trong đội ngũ các nhà văn là người dân tộc Tày, bên cạnh các tên tuổi như: Vi Hồng, Triều Ân, Nông Minh Châu, Ma Trường Nguyên... gần đây tên tuổi Cao Duy Sơn đã thu hút sự yêu mến, quan tân của bạn đọc và các nhà nghiên cứu phê bình văn học. Vì thế chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu: Truyện ngắn Cao Duy Sơn vừa để tìm hiểu, khảo sát, đánh giá những thành công, đóng góp của tác giả vào mảng đề tài miền núi, vừa để khẳng định sự khởi sắc phát triển của văn học các dân tộc thiểu số trong lòng nền văn học Việt Nam đương đại.
2. Cao Duy Sơn là một nhà văn có cá tính sáng tạo, có niềm đam mê nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của một người cầm bút. Những quan niệm nghệ thuật dẫn tới các tác phẩm văn chương của Cao Duy Sơn đều được khơi nguồn từ một trái tim giàu lòng nhân đạo biết căm thù và cũng biết yêu thương. Đó là trái tim của một người con của núi rừng Việt Bắc có tình yêu tha thiết với quê hương mình, có niềm tự hào sâu sắc về những giá trị văn hoá, tinh thần của quê hương. Không những thế ông còn tài tạo và luôn gìn giữ những giá trị đáng quí đó.
Trong quá trình sáng tác văn chương của mình Cao Duy Sơn đã có những thành công với thể loại truyện ngắn. Thành công ấy thể hiện ở hai phương diện : nội dung và hình thức nghệ thuật. Nhà văn đã tái tạo và xây dựng được một thế giới nhân vật dù chưa phong phú, đông đảo, nhưng đã có một diện mạo riêng, góp phần làm nên diện mạo chung của thế giới nhân vật trong văn học Việt Nam hiện đại. Trong thế giới nhân vật ấy, có thể chưa có những nhân vật điển hình theo đúng khái niệm của loại nhân vật này, chưa có những nhân vật thật sự tiêu biểu và có cá tính đậm nét, gây được ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn độc giả nhưng cũng đã có những nhân vật thành công ở chừng mực nào đó. Những nhân vật ấy đã giúp người đọc hiểu rõ hơn số phận cuộc đời của những người dân miền núi với tất cả những bất hạnh khổ đau và cả những hạnh phúc ngọt ngào, với cả những mặt thiện - ác, tốt - xấu. Cao Duy Sơn đã viết về họ với tất cả nhiệt huyết từ một trái tim.
3. Trong ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn, chúng tôi thấy nổi bật lên hai hình tượng thẩm mĩ đặc sắc: Đó là bức tranh xã hội miền núi và hình tượng con người miền núi. Với bức tranh xã hội miền núi, chúng tôi thấy hai đặc điểm nổi bật là: Bản sắc văn hóa Tày đậm nét trong bối cảnh thiên nhiên, bối cảnh xã hội và trong đời sống lao động, sinh hoạt, chiến đấu của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao phía Bắc tổ quốc, đó là cuộc sống sôi sục những xung đột vừa mang tính thời sự, vừa có tính vĩnh hằng của con người miền núi. Với hình tượng con người miền núi, xuất hiện ba loại hình tượng đặc trưng: Con người ngời sáng phẩm chất cao đẹp trong bi kịch; Con người tha hóa và sám hối, con người thánh thiện. Nhìn chung hình tượng con người miền núi trong truyện ngắn Cao Duy Sơn vừa quen, vừa lạ với bạn đọc: Quen vì mang những đặc điểm của đồng bào miền núi ít nói, chất phác, dữ dội và bộc trực... lạ vì tính cá thể hóa sắc nét nhờ tài năng và cá tính sáng tạo độc đáo của nhà văn.
4. Những nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự của Cao Duy Sơn là sự xuất hiện phổ biến kiểu cốt truyện đơn tuyến vừa truyền thống vừa hiện đại, ít nhiều đã có dấu ấn sáng tạo của nhà văn trong việc xử lý mối quan hệ giữa cốt truyện biên niên và cốt truyện trong trần thuật, việc đảo lộn thời gian trần thuật đã mang hơi thở của văn xuôi hiện đại vào tác phẩm.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn biểu hiện đặc sắc ở một số phương diện: Miêu tả ngoại hình nhân vật, miêu tả nội tâm nhân vật và đặc biệt qua hệ thống hành động bột phát, bất ngờ phù hợp với tính cách của con người miền núi. Riêng ở phương diện miêu tả nội tâm nhân vật, Cao Duy Sơn chủ yếu sử dụng lời nửa trực tiếp để diễn tả những biến động trong tâm trạng của nhân vật. Về phương diện ngôn ngữ chúng tôi thấy nhà văn không "sao chép" ngôn ngữ đời thường của người miền núi mà chắt lọc lấy tinh hoa và nghệ thuật hóa chất liệu ấy đưa vào tác phẩm. Bởi vậy, khi đọc tác phẩm người đọc thấy ngôn ngữ nhân vật của Cao Duy Sơn đậm đà sắc màu miền núi, độc đáo, gần gũi, thân quen mà không lạ lẫm. Đây là thành công mà không phải nhà văn viết về đề tài dân tộc thiểu số nào cũng đạt tới.
5. Tìm hiểu truyện ngắn Cao Duy Sơn ở hai bình diện nội dung và nghệ thuật, chúng tôi khẳng định thành công của tác phẩm và cá tính sáng tạo độc đáo của nhà văn, từ đó khẳng định một bước tiến mới của văn xuôi dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập vào dòng chảy chung của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với sự hiểu biết sâu sắc về đời sống và tâm hồn con người miền núi, với tài năng và một tầm văn hóa cao, Cao Duy Sơn không chỉ xây dựng thành công một thế giới nghệ thuật chân thực, điển hình về đất và người nơi vùng cao biên ải mà còn in đậm cá tính sáng tạo của mình trong hành trình phản ánh, lý giải số phận, tâm hồn người miền núi.
6. Cao Duy Sơn đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật tối ưu trong lĩnh vực xây dựng nhân vật, đặt trọng tâm của nghệ thuật xây dựng nhân vật vào việc miêu tả thế giới nội tâm nhân vật, vận dụng tài tình thủ pháp miêu tả nội tâm qua độc thoại nhằm bộc lộ thế giới nội tâm nhân vật. Kế thừa thủ pháp xây dựng nhân vật trong nghệ thuật văn chương truyền thống, kết hợp nhuần nhuyễn với thủ pháp xây dựng nhân vật trong nghệ thuật văn chương hiện đại, nhà văn đã thổi sức sống vào thế giới nhân vật của mình. Bởi vậy, nhân vật trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn vừa mang đặc điểm của nhân vật văn học truyền thống với tính cách thẳng thắn, bộc trực, quả cảm, bao dung... vừa mang đặc điểm của nhân vật văn học hiện đại ở khía cạnh khai thác nhân vật từ chiều sâu tâm hồn, tạo nên nhân vật với thế giới nội tâm phong phú nhiều chiều và luôn biến chuyển.
7. Có rất nhiều vấn đề của văn chương Cao Duy Sơn cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu: các vấn đề về thi pháp tác giả, tác phẩm Cao Duy Sơn ; mối quan hệ giữa văn hoá dân gian, văn hoá dân tộc và văn chương Cao Duy Sơn, mối quan hệ giữa nhà văn dân tộc thiểu số Cao Duy Sơn với một số nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam và một số nước Châu Á, Châu Âu... Hi vọng rằng trong tương lai sẽ còn có những công trình nghiên cứu về Cao Duy Sơn. Và những gì chúng tôi thực hiện được trong đề tài này mới chỉ là một trong những bước khởi đầu của quá trình tìm hiểu văn học của Cao Duy Sơn - nhà văn - người con của núi rừng Việt Bắc.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Trần Tác
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)