Bao vệ luận văn thac si

Chia sẻ bởi Trần Tác | Ngày 21/10/2018 | 29

Chia sẻ tài liệu: bao vệ luận văn thac si thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

HOÀNG THỊ VI

BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG
VĂN XUÔI TRIỀU ÂN

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34

Người hướng dẫn khoa học:
PGS – TS Nguyễn Bích Thu



Thái Nguyên, năm 2009
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
- Triều Ân đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn học hiện đại các dân tộc thiểu số nói riêng, văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Ở lĩnh vực sáng tác nào, ông cũng có những tác phẩm để lại dấu ấn rõ nét trong đời sống văn học và văn hoá dân tộc.
- Trong quá trình nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, giới nghiên cứu, phê bình đã quan tâm đến mảng văn học miền núi nhưng chủ yếu tập trung vào sáng tác của các nhà văn người Kinh tên tuổi nổi tiếng. Trong khi đó một bộ phận không nhỏ các nhà văn dân tộc thiểu số với những thành tựu và cống hiến xứng đáng lại ít được quan tâm nghiên cứu, giới thiệu.
- Tìm hiểu, nghiên cứu về văn học miền núi, nhất là với những sáng tác do chính các tác giả người miền núi viết là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần khẳng định, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của nền văn hoá Việt Nam trong thời kì hiện nay.
Đây là những lí do gợi dẫn chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân”.
2. Lịch sử vấn đề
- Trong những năm gần đây, văn học dân tộc và miền núi đã được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm chú ý. Đã có không ít các bài viết, các công trình nghiên cứu khoa học nhận xét, đánh giá về các tác giả văn học hiện đại người dân tộc thiểu số và mảng văn học miền núi.
- Có khá nhiều bài viết đề cập đến sự nghiệp sáng tác cùng những đóng góp, cống hiến nghệ thuật của Triều Ân đối với nền văn học dân tộc và miền núi nói riêng và văn học Việt Nam đương đại nói chung.
- Nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về sáng tác của Triều Ân, đặc biệt là ở góc độ bản sắc văn hoá. Do vậy chúng tôi tìm được khoảng trống để thực hiện đề tài này.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn lựa chọn một số truyện ngắn, tiểu thuyết của Triều Ân in trong tập truyện ngắn Xứ sương mù (Nhà xuất bản Văn học, H.2000) và Tuyển tập thơ văn Triều Ân (Nhà xuất bản Văn học, H.2006) làm đối tượng nghiên cứu cho đề tài.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn đi sâu vào nghiên cứu: Bản sắc dân tộc Tày, Dao trong văn xuôi Triều Ân trên các khía cạnh: Phong tục tập quán; nghề thủ công và trang phục; khả năng y học dân tộc; đời sống văn nghệ, tín ngưỡng và đời sống tâm hồn.
4. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi nhằm đạt được 2 mục đích sau: - Có cái nhìn tổng thể và khái quát về bản sắc dân tộc Tày, Dao ở một số phương diện cụ thể. Từ đó thấy bản sắc dân tộc được phản ánh trong các tác phẩm văn học viết về đề tài miền núi nói chung và trong văn xuôi của Triều Ân nói riêng.
- Chỉ ra những biểu hiện cụ thể bản sắc dân tộc Tày, Dao trong văn xuôi Triều Ân trên phương diện nội dung cũng như nghệ thuật. Qua đó khẳng định thành tựu, đóng góp của Triều Ân với văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói riêng và văn học đương đại nói chung.


5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi đã vận dụng phương pháp nghiên cứu tác gia văn học, phương pháp thống kê hệ thống, so sánh đối chiếu, phương pháp phân tích, tổng hợp.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và phần thư mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
Chương một: Vài nét về bản sắc văn hóa dân tộc và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Triều Ân.
Chương hai: Những biểu hiện của bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân.
Chương ba: Một số phương diện nghệ thuật thể hiện bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân.
PHẦN NỘI DUNG
Chương I: Vài nét về bản sắc văn hóa dân tộc và sự nghiệp sáng tác
của nhà văn Triều Ân
1.1. Bản sắc văn hóa dân tộc
1.1.1. Văn hóa và bản sắc văn hóa Việt Nam
1.1.2. Đặc điểm văn hóa dân tộc (Tày, Dao)
1.1.2.1. Khái quát về văn hóa dân tộc Tày
1.1.2.2. Khái quát về văn hóa dân tộc Dao
1.2. Sáng tác của Triều Ân trong dòng chảy của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại
1.2.1. Đôi nét về văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại
1.2.2. Sáng tác của Triều Ân



Chương II: Những biểu hiện của bản sắc
dân tộc trong văn xuôi Triều Ân



2.1. Phương diện phong tục tập quán
Trong văn xuôi Triều Ân, các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Tày, Dao nói riêng đã được phản ánh một cách sinh động và phong phú, điển hình là:
2.1.1. Văn hoá lễ hội và chợ phiên
2.1.2. Các tập tục trong hôn nhân
2.1.3. Tập quán sinh nở và lễ đầy tháng tuổi của trẻ
2.1.4. Văn hoá tổ chức đời sống cộng đồng
2.2. Phương diện nghề thủ công và trang phục
2.2.1. Nghề thủ công
- Trong văn xuôi Triều Ân, chúng ta có thể bắt gặp cảnh người dân làm đồ thủ công và nhận thấy các sản phẩm thủ công có mặt trong đời sống hàng ngày của họ. Một trong những nghề đặc sắc, nổi tiếng của dân tộc Tày, Dao là dệt vải, nhuộm vải và trang trí hoa văn trên vải. Tông màu ưa dùng của đồng bào là màu chàm. Riêng đối với dân tộc Dao, cách trang trí hoa văn trên vải chàm đã làm nên nét bản sắc truyền thống.
- Săn bắn cũng là nét văn hoá của người Tày, Dao. Dấu ấn dân tộc này đã trở thành chi tiết nghệ thuật xuất hiện với tần số cao trong văn xuôi Triều Ân.
- Tạo nên bản sắc dân tộc của con người miền núi còn là tập quán hái lượm. Nét phong tục này chúng ta sẽ bắt gặp qua công việc thường ngày của các nhân vật trong tiểu thuyết của Triều Ân.
2.2.2. Vẻ đẹp trang phục
Triều Ân đã miêu tả vẻ đẹp trang phục của các nhân vật để từ đó làm nổi rõ dấu ấn của từng dân tộc, nét riêng của trang phục giới. Những “bộ quần áo, cả thắt lưng vải đều óng ánh một màu chàm tím cao sang bó sát lấy thân người” là dấu ấn riêng của các thiếu nữ Tày, làm tôn thêm vẻ đẹp hình thể của con người. Còn bộ trang phục “trên áo, trên khăn, tà áo, gấu váy … đâu đâu cũng thêu hoặc in sáp hoạ tiết” là của các thiếu nữ DaoTiền tạo nên bản sắc cổ truyền của dân tộc này qua cách trang trí.

2.3. Văn hoá Tày, Dao qua y học dân tộc
Đọc văn xuôi Triều Ân, chúng ta sẽ nhận thấy dấu ấn văn hóa của các dân tộc ít người ở vùng cao, đặc biệt là người Tày, Dao ở phương diện này. Nhằm tôn vinh các bài thuốc dân gian cổ truyền và một số lương y giỏi ở vùng dân tộc thiểu số, qua trang văn của mình, Triều Ân đã khắc hoạ thành công một lương y giỏi, tận tâm với nghề. Đó là hình tượng nhân vật thầy lang Thuần trong tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi.
2.4. Phương diện đời sống văn nghệ, tín ngưỡng và tâm hồn
2.4.1. Đời sống văn nghệ
- Người Tày phổ biến nhất ở làn điệu si lượn. Tiếng lượn thường được nam nữ thanh niên cất lên để trao gửi tâm tư tình cảm trong những ngày chợ xuân, những buổi chợ phiên.
- Người Dao lại có loại hình dân ca độc đáo là hát “páo dung”, “tồ dung”. Trong truyện ngắn Mây tan, Triều Ân đã miêu tả tiếng hát “tồ dung”, “páo dung” của Chẹ Tàn, Piao vừa có ý nghĩa về nội dung vừa hay về âm điệu. Tiếng hát “tồ dung”, “páo dung” còn được cất lên trong những dịp lễ hội của đồng bào, như trong buổi lễ ăn mừng đầy tháng tuổi hai đứa con của Lan và Piao (Nắng vàng bản Dao).


2.4.2. Đời sống tín ngưỡng
- Là một nhà nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian dân tộc Tày, Triều Ân có nhiều thuận lợi trong hướng khai thác và thể hiện đời sống tín ngưỡng của các dân tộc.
- Nổi bật nhất trong các loại hình cúng bái của người dân tộc phải kể đến hành lễ của “Then” – hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Tày. Qua đặc tả một cuộc hành lễ của bà then trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao, Triều Ân đã nhấn mạnh và khẳng định được nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc.
- Bên cạnh những yếu tố tích cực trong đời sống tín ngưỡng của người dân,Triều Ân cũng chỉ ra những hủ tục lạc hậu ở tệ mê tín dị đoan, quan niệm tín ngưỡng còn nhiều yếu tố duy tâm của đồng bào.
2.4.3. Đời sống tâm hồn
- Các nhân vật trong văn xuôi Triều Ân của Triều Ân luôn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt. Điển hình cho hệ thống nhân vật giàu sức sống là Ngọc Lan (Nắng vàng bản Dao), Lơ (Dặm ngàn rong ruổi).
- Triều Ân còn đề cập đến ý thức vươn tới khoa học, văn minh tiến bộ của người dân miền núi. Đó là quyết tâm phải làm được con mương dẫn nước về bản của nhân vật Lê (Chặt cổ rồng).
- Tấm lòng nhân ái, vị tha, cao thượng cũng là một nét đẹp tâm hồn vốn có của con người miền núi đã được Triều Ân khai thác một cách chân thực và cảm động qua các trang văn xuôi. Tiêu biểu là hành động cứu sống và nuôi khôn lớn một hài nhi và sau đó trao lại cho cha mẹ đẻ của bé của nữ hộ lí Hồng Lê trong truyện ngắn Bạn cùng lứa.


Chương III: Một số phương diện nghệ thuật thể hiện bản sắc dân tộc trong
văn xuôi Triều Ân
Nghệ thuật thể hiện bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân khá phong phú, đa dạng. Ở luận văn này, chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu và bao quát toàn bộ mà chỉ tập trung vào khảo sát, phân tích ba phương diện cơ bản thể hiện rõ dấu ấn dân tộc trong văn xuôi Triều Ân. Đó là:
3.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện
Một trong những đặc điểm về cách tổ chức cốt truyện của Triều Ân “là việc sử dụng những mô típ trong truyện dân gian một cách sáng tạo … đã được biến cải phù hợp với hoàn cảnh xã hội đương đại”.


3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.2.1. Đặc tả ngoại hình nhân vật
- Triều Ân cũng đã tuân thủ theo thi pháp truyền thống nhưng hình ảnh con người miền núi bước vào các trang văn của ông luôn có những nét độc đáo, đặc sắc. Điểm đáng nói là khi miêu tả ngoại hình nhân vật, dù đẹp hay xấu, Triều Ân thường dùng các chi tiết gợi tả, so sánh gần gũi với thiên nhiên và đời sống của người miền núi. Điều đó tạo nên sự tự nhiên, mộc mạc, mang hơi thở của núi rừng và phù hợp với cách nhìn của con người miền núi.
- Mặt khác, trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Triều Ân đã có sự cách tân, sáng tạo: xây dựng những nhân vật ngoại hình không tỷ lệ thuận với tính cách. Điển hình cho mẫu người này là hiệu trưởng Bạch Kim trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao.
3.2.2. Xây đựng nhân vật đa diện
Trong văn xuôi chúng ta thường gặp những kiểu nhân vật thuần chất, bất biến về tính cách và phẩm chất. Bên cạnh những kiểu nhân vật thuần chất ấy, “cách thức xây dựng nhân vật của Triều Ân cũng thể hiện những sáng tạo riêng … Họ không phải là những tính cách bất biến, tĩnh tại mà có sự vận động bên trong để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh”. Tiêu biểu cho loại nhân vật tính cách đa diện này là Bảy trong truyện ngắn Eng Bải, Lìn, thầy thuốc đông y Thuần trong tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi .


3.3. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ
3.3.1. Ngôn ngữ mang đậm dấu ấn miền núi
- Trong văn xuôi Triều Ân, hệ thống từ ngữ chỉ địa danh không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa miền núi trong cách đặt tên làng bản mà còn gợi lên những vùng đất còn hoang sơ, xa xôi bí ẩn.
- Triều Ân đặc biệt chú ý khai thác cách nói so sánh rất gần gũi, giản dị, mang những nét đặc trưng văn hóa của người miền núi.
- Triều Ân thường dùng các câu thành ngữ, tục ngữ, cách nói vần vè đem lại giá trị thẩm mỹ cho câu văn nghệ thuật, đồng thời phù hợp với cách cảm, cách nghĩ và cách nói giàu hình tượng của người miền núi.
- Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ văn xuôi Triều Ân còn được tạo bởi việc sử dụng từ ngữ mang sắc thái địa phương.
3.3.2. Ngôn ngữ đậm chất thơ
- Đó có thể là một bức tranh vân sơn kỳ thú hay là một không gian được điểm tô bởi những hình ảnh, âm thanh mang đậm điệu hồn của núi rừng (Xứ sương mù, Dặm ngàn rong ruổi).
- Âm thanh của tiếng sa quay, dệt vải và hình ảnh những con người ngồi dệt vải đã trở thành một phần máu thịt của mỗi người dân nơi đây. Nó là cái đời thường, cái tự nhiên, bình dị của cuộc sống nhưng qua ngòi bút của Triều Ân, những cái đời thường đó lại chứa đựng chất thơ (Trong tiếng sa quay).

PHẦN KẾT LUẬN
1. Có thể nói trong văn xuôi của mình, Triều Ân đã tái hiện thành công bản sắc dân tộc Tày, Dao trên các phương diện của đời sống và con người. Bằng sự thuộc hiểu và lòng tự hào, trân trọng kết hợp với tâm hồn và tài năng của người nghệ sỹ, Triều Ân đã làm sống lại và lưu giữ bao nét đẹp văn hóa dân tộc. Sự tái hiện này chẳng những đã phản ánh được những phong tục tập quán độc đáo, đặc sắc của người dân tộc thiểu số cùng với vẻ đẹp tâm hồn của họ mà còn góp phần giữ gìn và bảo lưu để nó có được sức sống lâu bền trong lòng độc giả của mọi miền, ở mọi thế hệ.
2. Tìm hiểu về một vài phương diện nghệ thuật biểu hiện được bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân, luận văn đã chú ý đến ba phương diện nổi bật: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật sử dụng ngôn từ.

3. Bằng việc khai thác và phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc ở lĩnh vực văn xuôi, Triều Ân đã thực sự đóng góp cho dòng văn học các dân tộc thiểu số một phong vị, bút pháp vừa truyền thống, vừa hiện đại. Có thể nói những trang văn xuôi của Triều Ân đã giúp người đọc hình dung được cuộc sống và con người với những dấu ấn văn hoá Tày, Dao đậm nét và đầy cuốn hút.
4. Non nước Cao Bằng nói riêng, vùng Việt Bắc nói chung đã rất tự hào có được một tài năng như Triều Ân. Bằng việc tìm hiểu, nghiên cứu đề tài “Bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân”, luận văn đã góp phần nhỏ bé vào việc ghi nhận tên tuổi, tài năng, vị trí của Triều Ân trong đời sống văn học dân tộc và miền núi nói riêng và đời sống văn học hiện đại Việt Nam nói chung.






Em xin trân trọng cảm ơn
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Trần Tác
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)