Bài 27. Trả bài tập làm văn số 6

Chia sẻ bởi Bùi Thị Tuyết | Ngày 21/10/2018 | 14

Chia sẻ tài liệu: Bài 27. Trả bài tập làm văn số 6 thuộc Ngữ văn 6

Nội dung tài liệu:

Phòng GD&ĐT Thành phố Hưng Yên
Trường THCS Tân Hưng
CHUYÊN ĐỀ VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY
TIẾT TRẢ BÀI TẬP LÀM VĂN
Ở TRƯỜNG THCS
Người báo cáo: Bùi Thị Tuyết
PHẦN I. MỞ ĐẦU:
I. Đặt vấn đề:
Bộ môn Ngữ văn là một trong những môn cơ bản của các khối nhà trường.. Trong đó, môn Ngữ Văn lại được phân ra thành ba phân môn: Văn học- Tiếng Việt và Tập làm văn được định dạng theo bài trong tuần mà các em được học. Phần Tập làm văn là phân môn ứng dụng, thực hành có tính chất tổng hợp, đặc biệt là tiết trả bài. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD &ĐT khi xây dựng chương trình cho môn Ngữ văn lại có tiết trả bài. Mục đích là để sau khi GV hướng dẫn HS bài học, HS làm bài kiểm tra, tiết trả bài sẽ là tiết học tổng hợp các yếu tố từ kiến thức đến kĩ năng vận dụng và thực hành mà HS thể hiện trong bài viết của mình. Chính vì vậy việc xây dựng cho tiết dạy trả bài TLV ở trường THCS nói chung, trường THCS Tân Hưng nói riêng đang là vấn đề được quan tâm. Từ trước đến nay đã có nhiều các thầy cô dạy tiết trả bài TLV theo nhiều hướng khác nhau với các bước khác nhau. Vì vậy, chuyên đề về Phương pháp dạy tiết trả bài TLV ở Trường THCS mà tôi xây dựng xem như một bài tập thực hành với hy vọng giúp các thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn tham khảo và đóng góp ý kiến để tiết trả bài TLV trở nên hữu ích hơn cho quá trình dạy và học.
II. Phạm vi nghiên cứu và đối tượng áp dụng:
Đề tài tôi xây dựng nhằm hướng hiệu quả đến việc dạy và học môn Ngữ văn ở bậc phổ thông cơ sở, cụ thể là ở tiết 116 trả bài TLV- văn tả người ( Ngữ văn 6) để cả người dạy khi dạy đến tiết trả bài không thấy đó là một giờ nhẹ nhàng về kiến thức so với các tiết dạy khác của môn Văn và với HS bậc THCS nói chung các em HS lớp 6A nói riêng cũng thấy được rằng giờ trả bài là lúc mình học được không chỉ ở thầy mà ở bạn cả về kiến thức và kĩ năng thực hành một cách tốt nhất. Để từ đó, chất lượng dạy học môn Ngữ văn ngày được nâng cao, đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại.
III. Phương pháp tiến hành:
1. Cơ sở lí luận:
- Như chúng ta đã biết từ năm học 2002- 2003 Bộ GD& ĐT triển khai việc thay sách bậc THCS với mục đích trang bị cho HS những kiến thức đầy đủ hơn ở tất cả các lĩnh vực của đời sống XH đáp ứng được sát hơn với những đòi hỏi của cuộc sống. Để đáp ứng được điều đó thì phải phát huy tính tích cực của HS. Vì thế đây là một yêu cầu bắt buộc trong việc thay đổi cả phương pháp giảng dạy của GV.
- Đối với phân môn TLV của bộ môn Ngữ văn bậc THCS ta thấy không nặng nề về thực hành. Muốn HS thực hiện tốt thì GV phải có phương pháp hữu hiệu. Điều mà tôi cảm thấy cần phải tháo gỡ trong phân môn TLV bậc THCS hiện nay là làm thế nào để dạy tốt tiết trả bài TLV để các em có kĩ năng viết bài TLVngày một tốt hơn và HS không cảm thấy “ngại” học môn Văn như hiện nay.
2. Cơ sở thực tiễn:
a. Về chương trình:
Trong phân phối chương trình môn Ngữ văn bậc THCS có phân rất cụ thể đối với các tiết trả bài, trong đó tiết trả bài TLV chiếm tỉ lệ cao hơn so với phân môn tiếng Việt và Văn học: Lớp 6 có 10 tiết trả bài trong đó phân môn TLV chiếm 5 tiết và 2 tiết trả bài kiểm tra học kì ( 1+2) cũng có phần TLV. Với thời lượng như vậy vai trò của tiết trả bài càng trở nên quan trọng. Bởi nếu không trong giờ học các em thường chỉ biết nghe một cách thụ động mà không biết chủ động nhận ra lỗi sai ở bài viết của bản thân. Từ đó, HS không có ý thức tìm tòi, sửa chữa và rút kinh nghiệm cho bài viết sau được tốt hơn, không còn mắc phải các lỗi đã mắc ở bài viết trước. Hơn thế, nếu dạy và học tốt tiết trả bài thì tiết trả bài trở thành một tiết thực hành khá sinh động trong học Văn. Vì HS được rèn luyện nhiều kĩ năng như: nghe, cảm thụ, tìm tòi, làm việc nhóm, trình bày bài trước tập thể…
b. Về đội ngũ GV:
- Tổ chuyên môn gồm 4 đ/c có chuyên môn Ngữ văn, trong đó 100% GV có trình độ ĐH và cũng thường xuyên được cử đi tập huấn các lớp chuyên đề do Phòng GD & ĐT, Sở GD &ĐT tổ chức. GV cũng đã nắm vững tinh thần đổi mới của chương trình SGK và đều có kinh nghiệm trong giảng dạy. Tuy nhiên trao đổi thường xuyên về kiểu bài này của GV trong nhóm chuyên môn chưa được chú trọng.
- Không chỉ ở đơn vị trường THCS Tân Hưng mà ở Phòng GD & ĐT cũng chưa tổ chức chuyên đề cho một tiết trả bài, nhìn chung GV chưa ý thức được sâu sắc vai trò của giờ trả bài kiểm tra môn Ngữ văn với ý nghĩa cần và vốn có của nó. Nhiều giờ trả bài chưa đạt hiệu quả về nhiều mặt cả về chuyên môn, về quy trình, về tâm lý…

c. Về phía HS:
- Bài làm là thành quả lao động sáng tạo của HS. Tâm lý HS nói chung là các em mong đến giờ trả bài để được biết kết quả thầy cô giáo đánh giá bài làm của mình như thế nào? Cho nên cũng dễ hiểu khi giờ trả bài là một trong những giờ học được các em trông đợi, kể cả các em có điểm không cao cũng có tâm lý như thế.
- Qua việc phân tích lỗi sai trong bài làm, HS có thể tự điều chỉnh và rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình làm những bài kiểm tra tiếp theo của môn Ngữ văn.
- Điểm số cũng là điều quan trọng đối với HS. Các em muốn biết mình được bao nhiêu điểm, mà đối với HS thì điểm số là điều rất có ý nghĩa trong việc học tập. Đôi khi việc cho điểm của thầy cô giáo cũng làm thay đổi tinh thần và thái độ học tập của HS.
Từ thực tế trên, được sự góp ý, nhất trí của tổ chuyên môn tôi đã mạnh dạn xây dựng chuyên đề: “ Phương pháp dạy tiết trả bài Tập làm văn ở trường THCS”.
3. Các biện pháp tiến hành:
Tiết trả bài là một tiết học nên cũng phải đảm bảo các yêu cầu của một tiết học theo hướng đổi mới, tích cực. Cụ thể phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Phát huy tính tích cực học tập của HS.
- Tổ chức các hoạt động nhóm.
- GV là người tổ chức, hướng dẫn.
- Thể hiện tính tích hợp giữa các phân môn.
PHẦN II: NỘI DUNG
Như đã trình bày ở trên, muốn thực hiện tiết trả bài nghiêm túc, có hiệu quả. Về mặt chuyên môn, chúng ta phải bắt đầu từ bước chấm bài.
Trước hết khi chấm bài, GV đã xây dựng đáp án, biểu điểm cụ thể cho yêu cầu của đề bài ( Thực hiện trong giáo án kiểm tra). Từ đó đối chiếu với bài làm của HS để mà cho điểm sao cho phù hợp với kĩ năng, kiến thức trong bài làm của HS. Không nên chấm bài theo kiểu định kiến và ấn tượng với HS. Không nên tỏ rõ sự chê bai trên bài làm của HS. Thay vào đó là những lời nhận xét, đánh giá, chỉ ra chỗ sai cụ thể được thể hiện trong lời phê của GV. Lời phê ấy phải thể hiện 2 phần: khen và chê. Tránh những lời phê thiếu thận trọng, thiếu tính khích lệ. Và sau đó là cho điểm dựa trên những tiêu chí đánh giá đã đặt ra. Tuy nhiên cũng cần xem xét theo tình hình chung của cả lớp và đặc thù của một số HS cần được quan tâm đúng mức.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN TIẾT TRẢ BÀI:
Một giờ trả bài cũng cần được chuẩn bị chu đáo trên giáo án theo một tiến trình sư phạm cần thiết. Qua thực tế giảng dạy bộ môn, tôi thực hiện theo một quy trình sau đây:
Hoạt động 1: Đề bài
- Căn cứ vào những dữ kiện về đề bài, về tình hình bài làm của HS, GV xác định các yêu cầu cụ thể về kiến thức, tư tưởng, kĩ năng, phương pháp.
- Những yêu cầu đó phải được GV công bố để định hướng cho HS đánh giá kết quả bài làm của bản thân HS, của cả lớp.



Xây dựng dàn bài mẫu:
- Mục đích của việc xây dựng dàn bài mẫu là để cả lớp rút kinh nghiệm về nội dung và phương pháp làm bài.
- Qua dàn bài mẫu, từng HS có thể tự mình rút kinh nghiệm chỗ được, chỗ chưa được trong bài làm của mình.
- Nên dành thời gian cho HS thắc mắc về dàn bài mẫu.
- Có thể cho HS chép dàn bài mẫu để học tập và tự sửa bài ở nhà.
Hoạt động 2. Trả bài
Sau khi HS đã nắm được yêu cầu bài làm và sơ bộ đánh giá bài làm của mình, GV mới trả bài cho HS.
- Trước khi trả bài GV cũng cần chuẩn bị tư tưởng chung cho cả lớp.
- Đây là bước HS nôn nóng nhất bởi tâm lý HS mong muốn biết điểm số bài làm của mình.
- Sau khi trả GV dành thời gian cho HS đọc lại bài làm của mình cũng như của các bạn trong nhóm: xem lại những chỗ thầy cô giáo phê hoặc lưu ý bằng mực đỏ. Đây là công việc cần thiết để HS chuyển sang một hoạt động khác quan trọng hơn là tự nhận xét, sửa lỗi trong bài làm của mình, của bạn.
Hoạt động 3. Nhận xét chung về làm bài của HS:
Khi nhận xét chung về ưu điểm và nhược điểm trong bài làm của HS cần nêu được :
1.Tinh thần, thái độ của HS khi làm bài.
2. Những ưu điểm và nhược điểm chính.
3. Những cá nhân đáng biểu dương.
4. Những hiện tượng đáng chú ý.
5. Kết quả chung của cả lớp và của cá nhân tiêu biểu.
Khi tổ chức hoạt động này GV nên có thái độ khen nhiều hơn chê. Nếu là chê cũng nên ân cần, nhẹ nhàng để các em HS yếu khỏi có mặc cảm về sự yếu kém của bản thân trong học tập bộ môn Ngữ văn.





Hoạt động 4. Chữa lỗi điển hình:
Việc sửa lỗi nên tập trung vào các mặt sau đây:
a. Lỗi lạc đề: chưa hiểu đề nên sai lạc về nội dung và phương pháp.
b. Lỗi lệch đề: Chưa xác định đúng trọng tâm yêu cầu bài làm.
c. Lỗi lậu đề: bỏ sót một số yêu cầu cần thực hiện trong đề bài.
d. Nhóm lỗi về dùng từ, lỗi chính tả.
e. Nhóm lỗi về viết câu văn, diễn đạt ý.
g. Nhóm lỗi về đoạn văn, bố cục.
h. Nhóm lỗi về trình bày bài làm…
Hoạt động 5: Đọc, bình một số bài văn tiêu biểu:
Có thể đọc một số đoạn văn hay, nêu lên một vài ý hay hoặc đọc cả bài văn, và cũng có thể đọc những đoạn, bài văn mắc nhiều lỗi tiêu biểu tùy theo tình hình lớp học.
Sau khi đọc có thể cho HS nhận xét, đánh giá về bài văn, đoạn văn ấy để các em cùng học tập.
Hoạt động 6: Thống kê điểm:
PHẦN III. KẾT LUẬN:
Sau hơn 10 năm giảng dạy bộ môn Ngữ văn, trong đó có tổ chức thực hiện tiết trả bài viết môn Ngữ văn của bản thân, tôi thấy đề tài này đã phát huy tính hiệu quả về nhiều mặt, cụ thể:
- HS có hứng thú trong giờ học.
- Phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS
- Hoạt động nhóm có hiệu quả.
- Sự phối hợp trong các mối quan hệ giữa GV với HS, giữa HS với HS hết sức tự nhiên, hài hòa, tạo cho không khí lớp học sôi nổi nhưng không hề mất đi chất văn học, không khí trong giờ học.
Tất nhiên chất lượng dạy học bộ môn Ngữ văn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và việc chấm trả bài một cách khoa học và sư phạm cũng góp phần nâng cao chất lượng của bộ môn.
Trên đây là nội dung chuyên đề: “ Phương pháp dạy tiết trả bài tập làm văn ở trường THCS” mà tôi muốn gửi đến các đồng chí đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đặc biệt các đồng chí trong nhóm chuyên môn để cùng tham khảo. Mặc dù tôi đã rất cố gắng trong quá trình nghiên cứu viết chuyên đề này xong vẫn còn những mặt hạn chế, thiếu sót. Vậy rất mong nhận được sự đóng góp và cho ý kiến của các đồng nghiệp để chuyên đề này được hoàn thiện hơn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học Văn trong nhà trường THCS.
Xin trân trọng cảm ơn!
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Bùi Thị Tuyết
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)